Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

Thứ Năm, 20 tháng 1, 2011

Ăn Cơm Với Má


Mỗi bữa ăn, tôi thường đem chuyện ẩm thực ra hỏi má tôi. Vậy là bà vui và hình như ăn ngon miệng hơn. Tôi hỏi từ chuyện canh chua nấu làm sao ngon được vậy cho tới chuyện mấy bà bán cá tôm ngoài chợ Thảo Điền sáng nay mời bà mua cá tươi từ Bình Định mới đem vô. Nói chuyện ăn uống trong bữa ăn khác gì các nhà làm phim viết lời bình cho phim. Hình và lời phù hợp nhau là phim hay.

Trong mấy anh em thì hiện giờ tôi là người thường có được niềm vui đó. Mấy đứa em, do công việc nên sáng sớm đã rời khỏi nhà, 8 đến 9 giờ tối mới về, thường lúc đó thì má đã ngủ rồi. Còn 2 ngày cuối tuần cũng ít khi rảnh việc. Tôi may mắn hơn vì công việc tự do, mỗi tháng họp hội đôi lần nên trưa chiều thường về nhà ăn cơm với má.

Tôi là người hơi bị nhiều chuyện, thường lai rai thế sự, chút chút văn chương, nghệ thuật, toàn là những thứ má tôi không hiểu, vì gần suốt đời bà chỉ làm nội trợ. Ngay cả khi ba tôi đi kháng chiến chống Mỹ , bà cũng không làm việc gì cho bên này bên nọ, mà chỉ làm nội trợ và nuôi con. Hay hơn 35 năm hòa bình, khi ba tôi cũng có chút chức phận, bà cũng không bao giờ coi đó là một lợi thế gì cho mình.

Lên mâm cơm là tôi tự nhủ: hãy quên đi ba cái hiểu biết lăng nhăn kia đi, đem ba cái chuyện đó ra là có lỗi với má mình. Hãy lóng tai mà nghe cái vốn kinh nghiệm nội trợ đồ sộ của bà, đó cũng là của tất cả những người mẹ trên thế gian này. Đôi lúc tôi ước gì xã hội ta có một phần thưởng quốc gia cho những người mẹ “suốt đời nội gia” cho chồng con ra ngoài đời lao động cho xã hội.

Ngày mai cúng cơm bà ngoại tôi, cũng là một bà nội trợ. Má tôi thướng nhắc tới ngoại cũng xoay quanh chuyện bếp núc. Đó là một truyền thống quý giá của một gia đình. Mấy đứa em gái tôi đứa nào cũng nấu ăn ngon, đứa bận chuyện cơ quan, công ty nhiều thì vô bếp hơi lọng cọng một chút. Vậy là tôi hạnh phúc sống trong một gia đình giữ vững truyền thống ba đời biết nội trợ.

Tuần trước đi công tác ở Trà Vinh tôi có mua về vài đòn bánh tét Trà Cuông, khá nổi tiếng trong vùng do người Khmer gói. Má tôi chừa một đòn để ngày mai và cúng người mẹ của mình. (Bánh tét là 1 trong 1001 chuyện ẩm thực khác mà tôi sẽ phải ghi chép hoài).

Cái bánh tét để trong tủ lạnh nên 1 tuần chưa hư. Bà nói, hồi đó làm gì có tủ lạnh, cũng giữ được cả tuần không hư. Thấy tôi ngạc nhiên, chưa biết bằng cách nào thì bà nói ngay – đem ngâm đòn bánh trong ao nước sau nhà. (Tôi chợt nhớ ngay, mấy cái ao bèo xanh rì được che mát bởi những hàng dừa. Mỗi trưa hè , bọn trẻ chúng tôi nhảy xuống tắm là mát rượi. Tôi chợt vui vì nghĩ đó cũng là cái tủ lạnh đấy thôi). Nếu nhà nào không có ao thì ngâm bánh trong lu nước, mà phải là lu sành nó mới mát. Bánh không thấm nước là do mình gói lá thật chặt, chớ không phải như bây giờ lá nhiều nhưng dễ thấm nước. Muốn bánh để lâu không hư thì nếp với đậu phải được chà với muối (không phải là hóa chất) cho tróc hết cám (và cũng là một cách diệt vi khuẫn gây ẩm mốc- tôi tự nghĩ vậy, chắc không sai). Bà nói thêm - thời bây giờ ai có công đâu mà đi chà muối, ngươc lại người ta nấu sơ qua hột nếp trước khi gói để luộc cho nhanh cho ít tốn củi, như vậy bánh ăn sao ngon được.

Chợ Bà Chiếu có có bán lá chuối – bà nói – nhưng nhà cửa như vầy (không thuận tiện kê bếp củi) nên không nấu bánh được. Bà kể cái lịch gói bánh tét hồi đó như sau: đầu hôm ngâm nếp, ngâm đậu, tới sao mai mọc là đem ra rút (cho ráo nước), xế xế gói bánh xong là đem vô nồi luộc, nửa đêm chín vớt ra treo lên đòn. (Đó là 24 giờ của “dây chuyền gói bánh)

Bánh tét, thứ bánh “lên đời” từ bánh chưng ở miền Bắc, có từ thời Hùng Vương. Vài phỏng đoán cho rằng, bánh tét có từ thời Quang Trung cất binh hành quân bộ ra đánh quân Tàu. Quân lính Quang Trung vừa đi, vừa ngủ, vừa ăn nên bánh Tét là lương thực tiện lợi nhất, nhưng phải gói nó thành đòn máng lên đòn gánh. Đem chuyện này ra nói , má tôi thêm vui.

Từ ngày hòa bình đến giờ, thời khắc giao thừa, bao giờ tôi cũng ở bên má tôi, để nhìn bà thắp nhang cho ông bà và cắt bánh tét cho tôi ăn. Bà cắt bánh bằng cọng dây gói bánh chớ không dùng dao. Khi bà miệng bà cắn cọng dây tôi thấy giống như lúc bà gói nó, cũng ngậm một đầu dây như vậy.

Công bằng mà nói thì cách làm bánh bây giờ cũng có chuyện bà khen hay, tỉ như khi xem phim “món ngon quên nhà” (TFS sản xuất), bà khen người ta cắt mỗi khoanh là thấy một mẫu tự, như cắt hết đòn bánh là có đủ 4 chữ “chúc mừng năm mới”. Hay như bánh Trung Thu mà ăn như bánh tét.

Mỗi bữa ăn cơm với má là một câu chuyện về một thức ăn, một món thịt, một loài trái, một thứ rau… Thức chúng ta ăn nhiều như sao trên trời, đâu có ai đếm được. Cũng như tôi không thể biết trong bụng má tôi có bao nhiêu chuyện bếp núc để làm cho cả gia đình tôi no lòng, ấm bụng mấy mươi năm qua./.

Trần Chí Kông

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

Kiếm củi

Ở thành phố, mình alô là 15p sau sẽ có người mang bình gaz đến, còn ở nông thôn ngày nay, những người phụ nữ và trẻ em phải đi kiếm củi đốt cả ngày trời và có lẽ cũng chỉ đủ dùng trong 3 ngày. Ngồi chơi ở bãi biển Mỹ Long huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh một chút, tôi thấy đến 5 sự khó nhọc như vây. Chưa có tiền mua xe đạp, người ta phải gánh, đọan đường chắc chắn phải 5 cây số.

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2010

Những chiếc cầu







Chính phủ có thêm nhiều dự án cho những chiếc cầu dây giăng, bê tông vĩnh cữu, nói chung là tầm thế kỷ; còn tôi thì có thêm những bức hình về cầu khỉ. Những cây cầu làm bằng cây gỗ sau nhà, trong vườn...

Thứ Năm, 12 tháng 8, 2010